Trong nuôi tôm chỉ số thể hiện được tình trạng sức khỏe hệ tiêu hoá là pH ruột tôm. Tuy nhiên nhiều người nuôi vẫn hay mắc những sai lầm khi xử lý về vấn đề này nên dẫn đến hậu quả như tôm kém ăn, chậm phát triển hay gây bùng phát dịch bệnh. Hãy cùng Aquavet đọc hết bài viết để biết cách xử lý độ pH ruột tôm nhé.
Trong quản lý ao, người nuôi thường tập trung theo dõi các chỉ số môi trường như pH, độ kiềm, nhiệt độ,.. nhưng lại bỏ qua yếu tố quan trọng là pH ruột tôm. Trên thực tế, đây là chỉ số thể hiện về tình trạng sức khoẻ của hệ tiêu hóa tôm, và là trung tâm tiếp nhận dinh dưỡng, miễn dịch.
Độ pH của ruột tôm sẽ dao động trong khoảng 6.5 – 7.5. Đây là điều kiện lý tưởng cho những vi sinh vật có lợi sinh trưởng, hỗ trợ tiêu hoá và ức chế các mầm bệnh gây hại. Tuy nhiên, nếu độ pH< 6.0 và >8.0 sẽ làm hệ vi sinh bị mất cân bằng và dẫn đến loạt loại bệnh như giảm miễn dịch, ruột đứt khúc, phân trắng, hoại tử ruột, từ đó kéo theo nguy cơ nhiễm bệnh EMS, EHP, Vibrio spp,...
Sai lầm đầu tiên của người nuôi là chưa nhận thức đúng về vai trò của pH ruột tôm, hoặc đánh đồng giữa pH nước ao và pH trong cơ thể tôm là một. Từ đó gây ra những phản ứng xử lý thiếu cơ sở và phản tác dụng.
>>> Xem thêm: Cách kiểm soát nitrit trong ao nuôi hiệu quả
Khi tôm có dấu hiệu tiêu hoá kém, người nuôi thường sẽ bổ sung men vi sinh đường ruột. Tuy nhiên, nhiều người nuôi lại không xác định được nguyên nhân cụ thể, dùng tràn lan và không đúng quy cách, từ đó dẫn đến lãng phí và không giải quyết được vấn đề. Sau đây là những sai lầm nhiều người mắc phải:
Liều lượng không phù hợp: Dùng liều lượng quá nhiều sẽ gây lãng phí, dùng với liều lượng ít lại không đủ hiệu quả và dẫn đến sự cạnh tranh nội sinh trong hệ vi sinh đường ruột.
Dùng cùng kháng sinh hoặc chất diệt khuẩn: Đây là lỗi nghiêm trọng, sẽ làm các vi sinh bị tiêu diệt ngay tức thì và mất hoàn toàn tác dụng.
Chọn sai chủng vi sinh: Với những loại vi khuẩn khác nhau như bacillus subtilis, saccharomyces cerevisiae, lactobacillus sẽ có những đặc điểm khác nhau. Vậy nên người nuôi không thể chỉ dùng một loại duy nhất để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến tiêu hoá.
Việc phối trộn không đúng: Trộn các loại men với thức ăn khi còn nóng hay bảo quản không đúng cách cũng làm chết những vi khuẩn có lợi.
Khuyến cáo: Chỉ nên sử dụng vi sinh khi đã xác định được nguyên nhân làm cho pH ruột thay đổi. Không nên sử dụng các loại vi sinh cùng lúc với thuốc tím, kháng sinh, iodine, hay những chất có tính oxi hoá mạnh.
>>> Xem thêm: Phòng ngừa bệnh TPD ở tôm trong thời điểm này
Một số người nuôi thường bổ sung các loại kiềm như NaHCO3, dolomite hoặc axit hữu cơ để giúp tăng hoặc giảm độ pH. Tuy nhiên điều này dễ dẫn đến những tác động tiêu cực, phá vỡ sự cân bằng nội môi trong đường ruột. Khác với pH của nước ao, pH ruột tôm phải chịu ảnh hưởng từ enzyme tiêu hoá, hệ vi sinh, loại thức ăn. Việc thay đổi đột ngột cơ chế cơ học bằng hoá chất sẽ dễ gây sốc đường ruột, và tình trạng tiêu hoá của tôm trở nên nghiêm trọng.
Các loại sodium bicarbonate, CaO, dolomite được dùng để điều chỉnh độ pH của nước ao. Tuyệt đối không nên dùng trực tiếp cho đường ruột qua thức ăn nếu không có được sự chỉ định của chuyên gia.
Xử lý pH ruột sai cách - hệ quả do thiếu hiểu biết
Chế độ ăn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến pH của ruột. Nếu tôm ăn phải thức ăn nhiều dầu cá, đạm động vật, dầu cá kém chất lượng sẽ tăng axit đường ruột, kéo theo độ pH xuống thấp và ức chế vi sinh có lợi. Một số trường hợp vẫn có người nuôi cho tôm ăn đầy đủ khẩu phần hay không điều chỉnh công thức khi tôm có các biểu hiện đường ruột yếu. Do đó dẫn đến làm cho tôm giảm ăn, đầy bụng, phân lỏng, kéo dài độ stress cho tôm.
Khuyến cáo: Khi tôm có những dấu hiệu ruột bất ổn, người nuôi cần chủ động giảm lượng thức ăn khoảng 30-50%. Đồng thời chuyển sang các loại thức ăn dễ tiêu hoá hơn, bổ sung thêm khoáng chất, vitamin C, enzyme tiêu hoá và những vi sinh có lợi trong việc giúp phục hồi hệ tiêu hoá.
Độ pH ruột thay đổi là bắt nguồn từ yếu tố môi trường nước như độ kiềm thấp, độ pH nước bị dao động, NH3, NO2 cao, hiện tượng sụp tảo hay tảo phát triển quá mức làm suy giảm chức năng hệ tiêu hoá và tôm bị stress kéo dài.
Người nuôi chỉ tập trung vào việc xử lý pH ruột mà bỏ qua yếu tố từ môi trường nên chỉ giải quyết vấn đề tạm thời và không bền vững.
Khuyến cáo: Cần kiểm tra các chỉ số của yếu tố môi trường nước ao hàng ngày. Đồng thời, luôn duy trì pH nước ở mức ổn định (dao động không quá 0.3 đơn vị/ngày), độ kiềm ổn định ở mức 80-120 mg CaCO3/L. Thực hiện sục khí để hạn chế phát sinh khí độc, thay nước định kỳ và dùng thêm các chế phẩm sinh học.
>>> Xem thêm: Biện pháp ứng phó tôm bị sốc môi trường khi nuôi quảng canh
Phần lớn người nuôi hiện nay vẫn không kiểm tra ruột một cách định kỳ mà thường chỉ quan sát bằng cảm quan qua màu sắc ruột, tốc độ phát triển, tình trạng phân. Chính điều này sẽ luôn có nguy cơ tiềm ẩn về các loại bệnh quá muộn, làm suy giảm sức khỏe nghiêm trọng.
Việc thực hiện kiểm tra pH ruột rất dễ dàng bằng cách mổ tôm và dùng loại giấy quỳ tím hoặc máy đo pH loại cầm tay để đo dịch ruột. Người nuôi cần thực hiện đều đặn mỗi 3-5 ngày, nhất là vào giai đoạn tôm trên 25 ngày tuổi, khi có sự thay đổi về thức ăn hoặc thời tiết. Việc kiểm tra định kỳ giúp phát hiện sớm nguy cơ bị bệnh và đưa ra giải pháp điều chỉnh phù hợp với các yếu tố môi trường, thức ăn, các loại men và cách chăm sóc.
pH ruột tôm là chỉ số nhỏ nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý sức khỏe tôm. Chỉ số này cũng phản ánh sự ổn định của hệ vi sinh, khả năng miễn dịch và tiêu hoá của vật nuôi. Việc lạm dụng vi sinh, dùng sai loại hoá chất, chế độ ăn không phù hợp trong việc xử lý pH ruột đều gây hậu quả nghiêm trọng.
Để nuôi tôm đạt hiệu quả cao, người nuôi cần xem việc xử lý pH ruột tôm là một phần trong việc phòng bệnh tổng thể. Đó là việc bao gồm hiểu đúng vai trò của pH ruột, điều chỉnh thức ăn phù hợp, theo dõi định kỳ, duy trì môi trường ổn định. Khi hệ tiêu hoá của tôm khỏe sẽ giúp cho khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, quá trình tăng trưởng cao và giảm bệnh tật. Đây chính là yếu tố quan trọng để giúp vụ nuôi thành công.